Gridbon Space |
Cloud Computing – Cách mạng số lần 2
“Cloud Computing” đang đến gần với chúng ta và nó được mong chờ sẽ mang đến bước chuyển lớn trong ngành công nghệ thông tin.
Năm 1969, nguy cơ một cuộc chiến hạt nhân giữa Mỹ và Nga đã lên đến đỉnh điểm. Bộ Quốc phòng Mỹ, với mong muốn gửi thông tin một cách an toàn trong tình trạng báo động, đã cho ra đời Mạng lưới cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển (ARPANET), một hệ thống mạng có chức năng liên kết các máy tính với nhau. Có thể coi ARPANET là cha đẻ của mạng lưới Internet ngày nay. 40 năm sau khi mạng Internet đầu tiên của thế giới ra đời, một cuộc cách mạng mới lại sắp bắt đầu.
Cloud Computing – Đám mây điện toán khổng lồ với các bộ kết nối server
Sau khi tốt nghiệp Khoa công nghệ máy tính, Đại học Washington và trở thành kỹ sư của Google-“cỗ máy” tìm kiếm lớn nhất trên thế giới, Chritophe Bisciglia đã ca than về môi trường IT của các trường đại học không đủ dung lượng server để tiếp cận với các dữ liệu điện toán. Vì muốn tìm ra một giải pháp để sinh viên các trường đại học có thể tiếp cận với nguồn thông tin rộng lớn hơn, Bisciglia đã đưa ra một sáng kiến là biến khái niệm máy tính cá nhân thành một mạng lưới quy mô lớn hay còn gọi là “cloud of computers (đám mây điện toán)”. Ý tưởng của Bisciglia là dựa vào khái niệm phát minh ra một siêu máy tính có khả năng kết nối các server và trung tâm dữ liệu bằng một hệ thống mạng. Siêu máy tính này có khả năng chứa một lượng dữ liệu và phần mềm khổng lồ mà không cần cơ sở hạ tầng IT tốn kém.
Tại sao Cloud Computing lại được coi là cuộc cách mạng số lần 2?
“Cloud Computing” sử dụng mạng có dây và không dây để kết nối các máy tính. Vậy mạng máy tính này đặc biệt ở chỗ nào mà người ta coi nó như cuộc cách mạng số lần 2? Các chuyên gia thường ví “Cloud Computing” như hệ thống sản xuất điện quy mô lớn.
Khi lần đầu tiên phát minh ra điện, người ta đã dùng các máy phát điện để sản xuất điện. Tuy nhiên, với sự đời của các nhà máy phát điện quy mô lớn, người dân bắt đầu sử dụng điện do những nhà máy này sản xuất và trả tiền hàng tháng cho số lượng điện mà họ đã dùng. “Cloud Computing cũng cho phép người dùng sử dụng dịch vụ điện toán mà họ cần chỉ đơn giản bằng cách kết nối với Internet mà không cần sở hữu những nguồn riêng như server, phần mềm hay hệ thống mạng.
Điều đó có nghĩa rằng người dùng có thể sử dụng nhiều nguồn điện toán họ cần mà không phải mua máy tính cá nhân dung lượng cao. Nếu áp dụng “Cloud Computing” thì các doanh nghiệp sẽ thu được rất nhiều lợi ích. Họ có thể tập trung vào R&D (nghiên cứu và phát triển) thay vì phải đầu tư một số tiền lớn vào điện toán. Thay vì xây dựng và vận hành mạng lưới cơ sở hạ tầng IT tốn kém, các tập đoàn loại vừa và lớn có thể đầu tư thêm tiền vào các sản phẩm và dịch vụ để nâng cao sức cạnh tranh.
Dark Clouds (Những đám mây đen)
Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các công nghệ mới, “Cloud Computing” không phải là bức tranh hoàn hảo 100%. Nếu dữ liệu quan trọng của các cá nhân hoặc doanh nghiệp được lưu giữ trong hệ thống “Cloud Computing”-hệ thống mà tất cả mọi người đều có khả năng truy cập thì sẽ dẫn đến hiện tượng dữ liệu dễ bị rò rỉ. Bên cạnh đó, để sử dùng nhiều hệ điều hành với một siêu máy tính thì cần phải xây dựng một máy tính, một mạng lưới và một kho lưu trữ ảo. Điều này sẽ gây ra sự quá tải và người dùng sẽ khó kết nối với mạng Internet.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao trong 7 năm qua “Cloud Computing” chỉ đơn giản được xem là công nghệ tiềm năng. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay thì “Cloud Computing”, với giá thành giảm đang trở thành công nghệ thu hút trong ngành công nghệ thông tin. Gần đây, Thời báo New York đã sử dụng công nghệ này để chuyển 11 triệu bài báo sang định dạng PDF chỉ trong vài ngày mà chỉ tốn vài trăm đô la. Giờ đây, “Cloud Computing” không còn là công nghệ của tương lai mà nó đã trở thành một phần của cuộc sống số.