Saturday, November 14, 2009

Hạ tầng trên mây





Thay vì đầu tư sở hữu một hạ tầng CNTT phức tạp, tốn kém, doanh nghiệp (DN) có thể dựa vào Internet để truy cập và sử dụng những tài nguyên CNTT khổng lồ, được cung cấp dưới dạng dịch vụ.

Dùng CNTT như dùng điện, nước


Công ty cổ phần công nghệ truyền thông Việt Nam (VNTT) là một DN xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ (DV) viễn thông và trung tâm dữ liệu cho các DN ở các khu công nghiệp và khu đô thị mới, với quy mô lên tới 1.800 DN trên diện tích 20.000 ha (chủ yếu thuộc các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Từ trước tới nay, VNTT đã đầu tư hạ tầng mạng trên cơ sở sử dụng 100% cáp quang, hệ thống mạng lõi thế hệ mới và các trung tâm dữ liệu hiện đại nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, sắp tới, VNTT sẽ cung cấp hạ tầng CNTT cho các khách hàng của mình theo một cách khác hẳn. Ngày 15/10 vừa qua, VNTT đã bắt tay với hãng IBM để xây dựng một trung tâm gồm rất nhiều máy chủ, phần cứng, PM, các ứng dụng, kiến thức (know how)... kết hợp với nhau. Khi trung tâm này hoàn thành, các công ty khách hàng của VNTT, từ bất cứ đâu, có thể truy cập qua Internet để sử dụng hạ tầng cực mạnh mà VNTT đã đầu tư, tùy theo nhu cầu cụ thể của họ. Họ không phải xây dựng những trung tâm dữ liệu rối rắm với những máy chủ cồng kềnh kèm theo hàng tá thiết bị, không phải mua nhiều phần cứng, PM và đau đầu vì cấu hình, cài đặt, nâng cấp, mở rộng... nữa.

Nói cách khác, khách hàng của VNTT sẽ sử dụng CNTT dưới dạng DV (thông qua Internet và trình duyệt web), giống như DV điện, nước, truyền hình cáp (thông qua các đường ống, đường truyền). Dùng tới đâu trả tiền, tùy theo nhu cầu.

Trước mắt, VNTT sẽ cung cấp cho khách hàng các DV về trung tâm dữ liệu, các DV làm việc cộng tác như DV thư điện tử (sử dụng PM IBM Lotus Domino), mạng nội bộ intranet (sử dụng PM IBM Websphere Portal Express) và DV máy chủ trên nền IBM Lotus Foundations, quản lý nhờ PM IBM Tivoli.

Kiểu trung tâm cung cấp DV CNTT như nói trên được gọi là trung tâm điện toán đám mây (Cloud Computing), hay còn gọi là "điện toán máy chủ ảo".

Lợi ích của "đám mây"

Công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) được nghiên cứu và ứng dụng trong một vài năm trở lại đây. Theo ông Trần Viết Huân, giám đốc nhóm Giải Pháp Công Nghệ Chất Lượng Cao - IBM Việt Nam, ĐTĐM kế thừa những khía cạnh khác nhau của các mô hình điện toán trước đây.

Ví dụ, ĐTĐM liên kết và tận dụng tài nguyên nhàn rỗi từ các máy tính không sử dụng hết công suất (ảo hóa), giống như điện toán lưới (Grid Computing). ĐTĐM cung cấp tài nguyên tính toán như một DV. Đó chính là đặc điểm của mô hình "điện toán tiện ích" (Utility Computing). Về mặt ảo hóa ở mức độ ứng dụng, ĐTĐM giống như mô hình PM hoạt động như DV (Software as a Service - SaaS).

Với những đặc điểm nêu trên, theo ông Huân, ĐTĐM có thể giúp các DN đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm, DV ra thị trường bằng cách giảm thiểu thời gian cấp phát tài nguyên điện toán. Lấy ví dụ, nếu cần một tài nguyên tính toán cho một dự án, DN phải qua một quá trình mua phần cứng, mua quyền sử dụng PM, cấu hình và cài đặt các ứng dụng... Những việc đó có thể mất hàng tuần. Với công nghệ cấp phát tài nguyên tự động của ĐTĐM, họ chỉ tốn vài chục phút hoặc vài giờ, có thể tự phục vụ thông qua một giao diện thân thiện.

Điện toán đám mây (Cloud computing) là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet. Thuật ngữ "đám mây" ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng Internet (dựa vào cách được bố trí của nó trong sơ đồ mạng máy tính) và như một liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó. Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến CNTT đều được cung cấp dưới dạng các DV, cho phép người sử dụng truy cập các DV công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó "trong đám mây" mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó.
Theo vi.wikipedia.org

Do việc toàn bộ TTDL được ảo hóa, khả năng sử dụng tài nguyên trong ĐTĐM trở nên hữu hiệu hơn, đồng thời việc quản trị TTDL được đơn giản hóa với mô hình kiến trúc theo hướng DV (Service Oriented Architecture), nên ĐTĐM có thể giúp các DN hoạt động đạt hiệu quả cao.

Với quy trình cung cấp DV, cấp phát tài nguyên được tự động hóa và chuẩn hóa, ĐTĐM giúp giảm thiểu những rủi ro do những tác động của con người gây ra. Đồng thời DV ĐTĐM cho phép đầu tư nhỏ ban đầu và tăng hệ thống một cách linh hoạt khi khối lượng công việc tăng lên. IBM đã thực hiện điều này với công ty Sogeti (thuộc Tập đoàn Capgemini). Trong vòng 72 giờ, hạ tầng CNTT của Sogeti đã mở rộng một cách nhanh chóng, cho phép hơn 4.000 nhân viên có thể tham gia đóng góp ý kiến cho tập đoàn.

Ông Võ Tấn Long, phó tổng giám đốc IBM Việt Nam cho rằng, trung tâm ĐTĐM là sự kết hợp của 2 yếu tố: công nghệ và mô hình kinh doanh. "ĐTĐM khiến cho việc sử dụng các tài nguyên CNTT ngày càng thông minh hơn, hiệu quả hơn, chi phí ít hơn, và đảm bảo rằng những tài nguyên đó có thể được sử dụng bởi nhiều người khác nhau, từ bất cứ đâu", ông Long nói.

"Mây xanh" của IBM

Mô hình ĐTĐM được một số công ty nghiên cứu và sử dụng trong vài năm gần đây. IBM cung cấp mô hình ĐTĐM riêng, gọi là Blue Cloud (Mây Xanh).

Mây Xanh của IBM bao gồm tập hợp các giải pháp dựa trên chuẩn mở và mã nguồn mở. Ví dụ hạ tầng ảo hóa dựa trên nền tảng Linux và PM ảo hóa Xen, VMware. Kết hợp với các PM quản lý TTDL có sẵn và các hệ thống máy chủ System X, System Y, Mainframe..., IBM tạo ra một trung tâm ĐTĐM được ảo hóa ở cấp độ cao và có khả năng cung cấp linh hoạt các DV mới, từ các DV truyền thống như máy chủ ảo đến các DV ứng dụng, DV về hợp tác trong DN như email, hệ thống intranet.

Ngày 24/9 vừa qua, IBM thành lập 2 trung tâm ĐTĐM tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - 2 trung ĐTĐM đầu tiên của IBM trong khu vực ASEAN. Ông Võ Tấn Long, phó tổng giám đốc IBM Việt Nam cho biết, 2 trung tâm này không trực tiếp cung cấp DV ĐTĐM cho khách hàng, mà tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các công ty khác, giúp họ xây dựng những trung tâm ĐTĐM của riêng họ. Những công ty này sẽ trực tiếp cung cấp DV ĐTĐM cho khách hàng của họ, giống như trường hợp VNTT nói trên.

Gridbon Technologies

No comments:

Post a Comment